Dự kiến ba phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia

Đăng lúc: Thứ ba - 29/07/2014 11:38 - Người đăng bài viết: tuanhoan
Tại hội nghị tổng kết năm học 2013-2014, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã đưa ra dự thảo phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia. Theo đó, sẽ có hai phương án ứng với hai hình thức thi: Thi theo môn hoặc thi theo bài.
Theo dự thảo này thì kì thi THPT quốc gia được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 hàng năm. Địa điểm tổ chức thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Tại mỗi tỉnh có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. Các điểm thi là các trường THPT và các trường ĐH, CĐ. Thành lập các cụm chấm thi theo vùng, miền.
Hội dồng coi thi, Hội đồng chấm thi là các thành viên cán bộ, giáo viên của Sở GD-ĐT và cán bộ, giáo viên của các trường ĐH,CĐ. Lãnh đạo các Hội đồng chủ yếu là lãnh đạo các trường ĐH và lãnh đạo Sở GD-ĐT có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các kỳ thi quốc gia.
 
Thí sinh hào hứng với đề Văn mở khá hay (Ảnh: Doãn Hòa).
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014. (Ảnh: Doãn Hòa)

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang đảm nhiệm việc tổ chức ra đề thi. Trong tương lai, việc này sẽ do Trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia đảm nhận. Nội dung câu hỏi của đề thi ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Đề thi được xây dựng theo hướng đánh gia năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó).

Kì thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi các môn Toán, Ngữ Văn, Địa lý, Lịch sử thi tự luận 180 phút; Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm 90 phút. Về môn thi Bô GD-ĐT dự kiến 3 phương án.

Phương án 1 theo môn thi. Thi 8 môn gồm, Toán, Ngữ Văn, vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi 1 môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Kết quả của 4 môn thi tốt thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả thi 4 môn này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của kì thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các tường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

Theo lộ trình đổi mới, các môn thi sẽ chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao phù hợp với thay đổi việc dạy và học ở nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 29.

Thí sinh tại Đà Nẵng bước vào buổi thi Văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Với phướng án này thì Bộ GD-ĐT cho rằng, việc thi theo môn và cho thí sinh chọn môn thi phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29; Tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hóa tốt hơn trình độ thí sinh; phân luồng mạnh đối với người học sau cấp THPT; Giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của trường. Ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh là đối với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước tham dự kì thi. Việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng.Học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Khó khăn của phương án này đó là kì thi diễn ra trong 4 ngày nên công việc của giáo viên nhiều hơn, chi phí tổ chức kì thi sẽ tăng thêm. Có thể dẫn đến việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi.

Phương án 2 thi theo bài thi: Trong kì thi, 8 môn học sinh ở lớp 12 gồm Toán, Ngữ Văn, Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: bài thi Toán, bài thi Ngữ văn, bài thi Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học), bài thi Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý). Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ; một bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

 

Ưu điểm của phương án này là với 2,5 ngày thi, kì thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi. Mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1; Hạn chế việc dạy dồn, cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây.

Khó khăn của phương án 2 là việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo vieenm HS và phụ huynh HS. Nếu thực hiện từ năm 2015 thì sẽ có những khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị ở tất cả các khâu: ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Việc chấm bài thi theo bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên cac môn khác nhau cùng chấm một bài thi như bài thi Khoa học tự nhiên gồm giáo viên của 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cùng chấm, Bài thi khoa học xã hội gồm giáo viên của 2 môn Lịch sử, địa lý cùng chấm.

Thời gian dành cho mỗi môn thi trong bài thi tổng hợp ít hơn, do vậy việc ra đề thi để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa có phần nâng cao để phân hóa trình độ học sinh nhằm phục vụ tốt cho tuyển sinh ĐH, CĐ là khó khăn hơn.

Phương án 3 cũng thi theo bài nhưng trong kì thi, 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm Toán, Văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); bài thi Khoa học Tự nhiên (Gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); bài thi Khoa học xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); bài thi Ngoại ngữ.

Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi bài thi; Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên.

Ưu điểm và hạn chế của phương án này giống như phương án 2. Ngoài ra, sử dụng 11 môn thi để tổng hợp thành 4 bài thi gây áp lực, căng thẳng cho học sinh vì học sinh phải học và ôn tập nhiều môn thi.

Đối với môn thi Ngoại ngữ thi Bộ GD-ĐT dự kiến: Với những học sinh, học viên không được học hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, chỉ phải thi các môn thi/bài thi ứng với mỗi phương án (gồm hai môn thi/bài thi bắt buộc và 1 môn thi/bài thi tự chọn).

Bộ GD-ĐT tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm đánh giá năng lực Ngoại ngữ quốc gia để tổ chức thi nhiều đợt trong năm. Khi đó, các thí sinh có thể đăng ký thi nhiều đợt trong năm, vào thời gian phù hợp; kết quả các lần thi này được sử dụng trong xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Đối với thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT từ năm 2014 về trước, được tham dự kì thi để sử dụng kết quả vào xét công nhận tốt nghiệp (đối với những thí sinh chưa tốt nghiệp) và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Sử dụng kết quả kì thi: Điểm thi của thí sinh trong kì thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN. Như vậy, học sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký vào học ở ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả kì thi quốc gia.

Những học sinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định trong quy chế thi sẽ được xét công nhận tốt nghiệp như sau: Điểm xét tốt nghiệp- Điểm của 4 môn thi tốt thiểu hoặc điểm thi của 4 bài thi (tương ứng với phương án lựa chọn môn thi hoặc bài thi). Đối với những thí sinh GDTX không thi Ngoại ngữ thì điểm công nhận tốt nghiệp là điểm của 3 môn thi/bài thi; Điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có); Công nhận tốt nghiệp theo quy định trong quy chế; Đối với thí sinh chưa được công nhận tốt nghiệp, Sở GD-ĐT căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện ở lớp 12, xét cho thí sinh được dự thi lại ngay trong trong đó bằng đề dự bị để xét công nhận tốt nghiệp theo Quy chế thi.

Việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ: Các trường ĐH, CĐ phải công bố thông tin về tuyển sinh trước kì thi quốc gia 6 tháng trên website của trường và Công thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT. Thông tin về tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ phải nêu rõ phương thức tuyển sinh, trong đó cần chỉ rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh vào trường theo từng ngành học để học sinh biết và đăng ký,

Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia để tuyển sinh: Công bố phương thức tuyển sinh của trường mình trong đó có các môn thi/bài thi của kì thi THPT quốc gia sẽ được đùng để xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường và công bố môn thi/bài thi chính sẽ nhân hệ số điểm (nếu có) trong só các môn thi/bài thi xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường.

Trên cơ sở kết quả kì thi THPT quốc gia, tùy theo tính đặc thù của nhà trường, có thể bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực khác như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ, thi bổ sung... theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đối với trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia đề tuyển sinh thì xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trình Bộ GD-ĐT; Đề án tuyển sinh riêng cần chỉ rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

Tại Hội nghị sáng nay, nhiều đại biểu tham dự bày tỏ sự đồng tình với phương án 1. Còn hai phương án còn lại nếu thực hiện năm 2015 là vội vàng và khó thực hiện.

Tác giả bài viết: Admin
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Phone: 02373 870 034
Email: nguoivinhloc@gmail.com