Dự thảo quy chế thi THPT 2015: 7 điểm mới đáng chú ý nhất

Đăng lúc: Thứ năm - 18/12/2014 09:14 - Người đăng bài viết: tuanhoan
Chiều 18/12, Bộ GD-ĐT chính thức công bố Dự thảo Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Tất cả các điểm mới trong mùa thi 2015 đều nằm trong 2 Quy chế thi này.
Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức vào 4 ngày trong tháng 7 

Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 năm 2015.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, Theo Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 09, 10, 11, 12 tháng 6 năm 2015.

Tuy nhiên, theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường đề nghị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7, như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây. Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác, để các sở GDĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại cuộc họp báo chiều nay. (Ảnh: Mai Châm)
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại cuộc họp báo chiều nay công bố Dự thảo Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy và Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Mai Châm)

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi:

Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT;

Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh);

Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT;

Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: Mô hình tổ chức các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia không phải là việc làm mới. Từ năm 2003, cùng với việc nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển sinh vào trường mình, Bộ GDĐT đã tổ chức thi theo các cụm thi liên tỉnh ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh. Trên cơ sở những thành công của việc tổ chức các cụm thi, năm 2012 Bộ GDĐT tổ chức thêm cụm thi tại Hải Phòng.

Việc tổ chức thi tuyển sinh theo các cụm thi đã được các trường ĐH, CĐ trong cả nước tin tưởng và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây.

Thi tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí thi

Trước đây, các thí sinh phải thi TN THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi đợt 3 ngày. Như vậy, thông thường thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 1 đợt ĐH), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt ĐH), 12 ngày (nếu thi tốt nghiệp, 2 đợt ĐH và 1 đợt CĐ). Nay các em chỉ thi 4 ngày nên giảm được chi phí dự thi.

Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT chủ trương duy trì ổn định các mức thu lệ phí như năm 2014, không tăng thêm mức thu để không gây khó khăn cho thí sinh và gia đình. Cụ thể là:

- Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí;

- Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí tuyển sinh tính theo số môn thí sinh đăng ký dự thi với mức thu giữ ổn định như năm 2014.

Trước đây, các tỉnh sử dụng ngân sách để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây, theo thống kê sơ bộ, bình quân cả nước chỉ có khoảng dưới 20% thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Do đó, phần kinh phí dành cho tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ giảm hơn nhiều so với các năm trước. Bộ GDĐT đề nghị các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách này cùng với làm tốt công tác xã hội hóa để tạo điều kiện đưa các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT đến các cụm thi dự thi một cách an toàn, thuận lợi.

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực thi cử và giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Đề thi theo định hướng đánh giá năng lực học sinh

Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã có bước chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Đề thi sử dụng các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi theo hướng này đã hạn chế việc sử dụng tài liệu trong phòng thi, góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm tràn lan.

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đề thi theo hướng này sẽ tác động tích cực đến việc đổi mới dạy, học và kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường phổ thông.

Miễn thi ngoại ngữ theo điểm tối đa

Thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định tại Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23 tháng 10 năm 2014 sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT;

Thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Do đó, các thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn Ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT;

Điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh muốn sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia;

Việc miễn thi môn Ngoại ngữ cho các thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín để xét công nhận tốt nghiệp nhằm tạo động lực để thay đổi cách dạy, học và thi môn Ngoại ngữ theo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Sử dụng thang điểm 20, đáp ứng yêu cầu phân hóa cao kết quả thi

Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Để đạt được mục đích nói trên thì yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước (kỳ thi TN THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ).

Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Để có độ phân hóa cao, chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Với các lý do nói trên, Bộ GDĐT chủ trương sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia.

Điểm xét tốt nghiệp THPT:

1. Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN):

Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Quy chế thi Tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ 2015

 
2. Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.

Thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi

Bộ quy định, các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành, nhóm ngành của trường.

Đối với các trường được Bộ GDĐT giao chủ trì cụm thi: Sau khi báo cáo kết quả thi về Bộ, in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho các sở GDĐT để chuyển tới thí sinh đã dự thi ở cụm.

Mỗi thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng kí xét tuyển tối đa 4 đợt; mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.

Đối với các trường xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia:

Ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày; điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước; thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31 tháng 10 hàng năm đối với trường đại học và 15 tháng 11 hàng năm đối với trường cao đẳng.

Tổ chức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh, trả hồ sơ ĐKXT cho thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ; cập nhật dữ liệu ĐKXT của thí sinh đăng kí xét tuyển vào trường trên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia.

Công bố công khai các thông tin liên quan đến từng đợt xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển và đăng kí nhập học của mỗi đợt xét tuyển; cập nhật 3 ngày một lần thông tin ĐKXT của thí sinh trên trang thông tin điện tử của trường (danh sách thí sinh đăng ký và điểm thi xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp) trên trang thông tin điện tử của trường.

Tác giả bài viết: Admin
Nguồn tin: dantri.com.vn
Từ khóa:

chiều 18/12

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Phone: 02373 870 034
Email: nguoivinhloc@gmail.com