Bộ GD-ĐT giải đáp những băn khoăn về dự thảo thi tốt nghiệp THPT

Đăng lúc: Thứ hai - 10/02/2014 22:21 - Người đăng bài viết: tuanhoan
Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp về dự thảo thi tốt nghiệp THPT năm 2014, vẫn còn có những băn khoăn nhất định. Nhằm cho dư luận hiểu rõ hơn về chủ trương, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng giải đáp những băn khoăn này.
       Trong cuộc trao đổi với PV Dân trí sáng 10/2, Thử trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của dư luận xã hội. Lần này, Bộ GD-ĐT muốn làm rõ thêm một số vấn đề để cho xã hội có cái nhìn chính xác hơn về chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, qua tổng hợp các ý kiến đóng góp thì có 6 vấn đề còn băn khoăn thắc mắc. Các vấn đề chủ yếu xoay quanh việc thi ít môn liệu có dẫn đến học sinh không học toàn diện các môn? Cơ sở nào để lấy miễn thi là 20%? Môn Ngoại ngữ tại sao lại là khuyến khích chứ không phải là tự chọn hay bắt buộc…

Để rộng đường cho dư luận, Dân trí xin đăng tải những giải đáp của Bộ GD-ĐT xung quanh về dự thảo thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Tại sao giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi? Liệu qui định này có dẫn tới hậu quả học sinh học không toàn học diện các môn?

Bộ GD-ĐT giải đáp: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI yêu cầu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”; “đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”;

Việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi mà có cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập (cùng có trọng số 50%); muốn có hồ sơ dự tuyển đại học tốt (gồm kết quả học tập tốt và két quả tốt nghiệp tốt) thì học sinh không thể “học lệch” mà phải nỗ lực học tập tất cả các môn trong quá trình học, nhất là ở lớp 12; việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh khi kết quả thi tốt nghiệp chỉ phụ thuộc kết quả các môn thi như trước đây. Mặt khác, để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ thì đề thi sẽ có điều chỉnh theo hướng: tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết vấn đề theo quan điểm cá nhân với khả năng sáng tạo và lập luận phong phú của mỗi thí sinh, phụ thuộc vào mức độ hiểu biết và năng lực của từng học sinh, tránh tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn, “đoán mò” và “học tủ”.

Giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi là một bước tiếp cận yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 8: “Đảm bảo cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; đồng thời cũng góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, đánh giá được năng lực của học sinh theo yêu cầu của NQTƯ là “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên” và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của trường theo tinh thần của nghị quyết NQ-TW8 là “đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”, hội nhập với phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng của một số nước tiên tiến trên thế giới.
 
Thí sinh ĐBSCL hoàn thành môn Địa lý
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Tại sao miễn thi tốt nghiệp cho khoảng 20% học sinh?

Bộ GD-ĐT giải đáp: Chủ trương miễn thi cho một bộ phận học sinh xuất sắc là thực hiện định hướng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8: sẽ giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học THPT, nhất là ở lớp 12, phối hợp kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.

Những học sinh nếu miễn thi sẽ được xếp loại tốt nghiệp dựa theo kết quả học tập, rèn luyện cả năm lớp 12 nhưng vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp như đối với học sinh dự thi.

Tỷ lệ 20% được xác định dựa trên tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến trong các năm qua trung bình khoảng 40-45%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi trong các năm gần đây đều trên 20%; như vậy có thể tin tưởng rằng tất cả học sinh được miễn thi đều là xứng đáng.

20% là tỷ lệ miễn thi tối đa cho các sở giáo dục - đào tạo. Nếu thấy cần thiết, Giám đốc sở GDĐT căn cứ các điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng dạy học, kết quả trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện học sinh… để xác định tỷ lệ miễn thi cho từng trường trên cơ sở bảo đảm tổng số học sinh được miễn thi của Sở không vượt quá 20%;

Ti sao B không quy đnh các tiêu chí đ xét cho tt c hc sinh đt tiêu chí đu đưc min thi mà li khng chế ch 20% hc sinh đưc min thi?

Bộ GD-ĐT giải đáp: Nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi thì sẽ có thể xuất hiện việc các trường nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi không thực chất; chính việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo nên sự “cạnh tranh” lành mạnh, góp phần đảm bảo việc kiểm tra đánh giá được nghiêm túc, việc xét miễn thi được thực hiện theo quy trình thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch và chịu sự giám sát từ nhiều phía (học sinh, phụ huynh, giáo viên, xã hội…) với các tiêu chí cụ thể, yêu cầu trách nhiệm cao của giáo viên và nhà trường;

Cùng với quá trình và kết quả chấn chỉnh kỉ cương để việc kiểm tra, đánh giá phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh thì tỷ lệ miễn thi có thể được tăng thêm, cũng có thể tiến đến toàn bộ học sinh đạt chuẩn đều được miễn thi.

Lý do Bộ dự định môn thi ngoại ngữ chưa phải là môn thi bắt buộc hoặc tự chọn mà chỉ là môn thi khuyến khích để được cộng thêm điểm thi tốt nghiệp trong những năm trước mắt?

Bộ GD-ĐT giải đáp: Theo yêu cầu hội nhập quốc tế, phải đặc biệt coi trọng việc dạy và học ngoại ngữ. Nghị quyết Trung ương 8 đã đặt ra yêu cầu "Dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học". Việc dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay chưa đạt được yêu cầu này do những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa, năng lực của giáo viên và cách thức thi, kiểm tra lạc hậu chưa đánh giá được năng lực nghe-nói-đọc-viết của học sinh; Mặt khác, điều kiện và chất lượng dạy học môn ngoại ngữ (cả ở trong và ngoài nhà trường) hiện rất khác nhau giữa các vùng miền, có sự khác biệt rất lớn giữa thành phố, thị xã, nông thôn, miền núi, hải đảo, giữa nội thành và ngoại thành.

Ngành Giáo dục đang thực hiện Đề án đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, chỉ khi nào giải quyết được các hạn chế nói trên thì mới đảm bảo được chất lượng thực sự của dạy học ngoại ngữ. Việc chưa quy định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc hay tự chọn mà là môn thi khuyến khích chỉ là giải pháp tạm thời trong những năm học sinh chưa được học và kiểm tra, thi theo chương trình mới, để các trường và học sinh không phải chịu áp lực dạy và học môn này trong khi chưa có điều kiện đảm bảo chất lượng, để các trường có điều kiện cử giáo viên đi học nâng cao năng lực cả về ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy; các cơ quan quản lý giáo dục có điều kiện tập trung vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp thi theo yêu cầu đảm bảo năng lực ngoại ngữ (nghe, nói, đọc, viết) cho học sinh. Lúc đó, các kỳ thi mới có tác dụng thực chất tác động trở lại nâng cao chất lượng của quá trình dạy học;

Trước mắt, để động viên việc dạy và học thực chất ở một số nơi có điều kiện, ngoại ngữ chỉ là môn thi khuyến khích, ngoài phần thi trắc nghiệm sẽ có thêm phần thi yêu cầu thí sinh viết luận, tiếp cận dần với yêu cầu đánh giá được toàn diện hơn các kỹ năng ngoại ngữ của học sinh. Như vậy, với các học sinh có điều kiện để học tốt môn ngoại ngữ thì vẫn có cơ hội phát huy thế mạnh và sở thích của mình. Với việc đưa ngoại ngữ là môn thi khuyến khích sẽ có tác đụng động viên khuyến khích dạy học thực chất (chứ không phải đối phó như hiện nay ở hầu hết các nơi) đối với môn học này.

Có nhiều ý kiến đề nghị môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn để động viên tinh thần cố gắng trong dạy và học. Bộ thấy rằng ưu điểm này trái lại, sẽ làm chậm quá trình đạt đến mục tiêu thật sự của việc dạy học ngoại ngữ; ngược lại nếu chỉ để thi khuyến khích thì sự cố gắng sẽ bị gián đoạn nhưng nhìn toàn cục thì sẽ tiến nhanh đến mục tiêu đích thực hơn. Bộ sẽ cân nhắc thêm trước khi quyết định.

Mối liên hệ giữa đổi mới thi tốt nghiệp THPT với đổi mới tuyển sinh vào đại học, cao đẳng?

Bộ GD-ĐT giải đáp: Bộ GD-ĐT giải đáp: Đổi mới thi tốt nghiệp THPT lần này bước đầu hướng tới sự thống nhất, phù hợp với đổi mới tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết 29-NQ/TW đều khẳng định các cơ sở giáo dục đại học - các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng (say đây gọi là các trường ĐH, CĐ) có quyền tự chủ trong tuyển sinh;

Các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh được quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh bao gồm: thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển cùng với sử dụng các hình thức khác để đáp ứng với yêu cầu chất lượng đầu vào và phù hợp với các ngành, nghề đào tạo của trường. Như vậy, tự chủ tuyển sinh cho phép các trường sử dụng một cách linh hoạt các hình thức tuyển sinh khác nhau phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm các ngành đào tạo. Khi đó, thi tuyển chỉ còn là một trong những phương thức tuyển sinh chứ không còn giữ vị thế độc tôn, duy nhất như trước đây;

Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả học tập của học sinh ở THPT, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm dữ liệu tuyển sinh cho trường. Như vậy, việc học sinh thi 2 môn bắt buộc (Toán và Ngữ văn) cùng với 2 môn tự chọn sẽ là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào tuyển sinh đại học, cao đẳng mà vẫn bảo đảm đánh giá được năng lực, sở trường xu hướng nghề nghiệp của các em phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường;

Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tốt, kết quả có độ tin cậy cao thì sẽ có ngày càng nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Các trường ĐH, CĐ hoàn toàn tự chủ tuyển sinh trên cơ sở sử dụng kết quả của kỳ thi chung – kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập của học sinh và kết hợp với những hình thức bổ sung khác. Như vậy, việc tuyển sinh đại học cao đẳng sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

Trong những năm trước mắt, các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở mức độ phù hợp, bên cạnh việc sử dụng với các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn... Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp theo hướng tăng cường độ tin cậy được diễn ra đồng bộ với việc thực hiện tự chủ tuyển sinh của các trường. Việc điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT như trong dự thảo đã được công bố cũng chính là những bước đi ban đầu cho định hướng này. Thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trong đó sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT phối hợp với thi tuyển, phỏng vấn để tuyển sinh.

Tại sao không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Bộ GD-ĐT giải đáp: Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết, vai trò quan trọng và yêu cầu đổi mới kỳ thi này đã được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 8: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận”.

Với định hướng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học và “trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” thì trong giai đoạn chuyển tiếp từ chương trình, sách giáo khoa hiện hành sang chương trình, sách giáo khoa mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần phải và đủ điều kiện để được điều chỉnh theo những định hướng nói trên, chuẩn bị tích cực cho việc đổi mới đồng bộ, phù hợp với đổi mới chương trình, sách giáo khoa sao cho đánh giá được phẩm chất và năng lực của người học khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Thi và kiểm tra có tác dụng đánh giá mức độ học sinh đáp ứng mục tiêu của giáo dục đã được xác định từ trước, đồng thời có tác dụng điều chỉnh hoạt động dạy học. Cần kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý cùng với quyết liệt thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Đây vừa là giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài để nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời khắc phục tâm lý học để thi như lâu nay.

Theo Bộ GD-ĐT, thay đổi trong kiểm tra đánh giá và thi cử là việc có thể làm được ngay. Vậy sau năm 2014, sẽ tiếp tục có những thay đổi gì nữa?

Bộ GD-ĐT giải đáp: Để đạt được mục tiêu chuyển từ quá trình giáo dục coi trọng trang bị kiến thức cho học sinh sang phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thì phải là đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Kiểm tra - thi - đánh giá là một thành tố, phù hợp với các thành tố khác (mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học) của chương trình giáo dục. Do vậy, trong khi chưa áp dụng chương trình giáo dục mới thì phương án thi chưa thể đổi mới căn bản; phương án thi điều chỉnh lần này, vì vậy, sẽ được áp dụng ngay từ năm 2014 và được giữ ổn định cho đến kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay giáo dục phổ thông đã và đang tiếp tục từng bước đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi để giáo viên và học sinh tiệm cận, quen dần với yêu cầu đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, không chỉ tập trung đánh giá mức độ học được, nhớ được kiến thức. Có nghĩa là cần có đổi mới trong việc ra đề thi, kiểm tra ở mức độ từ thấp đến cao, từ cục bộ đến toàn diện, từ trong mỗi môn học đến liên môn. Lộ trình này nhằm chuẩn bị cho học sinh có thể chủ động và đủ các điều kiện để thực hiện những đổi mới trong kiểm tra, thi và đánh giá. Mặt khác, cần tăng cường giáo dục tính trung thực trong thi, kiểm tra của học sinh.

Tác giả bài viết: Admin
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Phone: 02373 870 034
Email: nguoivinhloc@gmail.com