Tuyển sinh đại học 2020: Cân nhắc các phương thức xét tuyển kết hợp

Đăng lúc: Thứ hai - 30/12/2019 22:08 - Người đăng bài viết: tuanhoan
Khởi động mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2020, nhiều trường đã thông báo kế hoạch xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh. Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết sẽ dành khoảng 20-50% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức. Đây sẽ là hướng đi chính của nhà trường trong tương lai, đặc biệt là khi kỳ thi THPT quốc gia có những điều chỉnh sau năm 2020.
Tuyển sinh đại học 2020: Cân nhắc các phương thức xét tuyển kết hợp - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ảnh minh họa.

Thêm nhiều mã ngành mới

Thông tin từ lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho biết, dự kiến từ 2020, Trường ĐH Bách khoa TP HCM sẽ mở thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao: kỹ thuật hàng không; kỹ thuật y sinh; logistics và quản lý chuỗi cung ứng; kỹ thuật cơ điện tử, chuyên ngành kỹ thuật Robot; khoa học máy tính - chương trình chất lượng cao tiếng Nhật.

Trong đó, chương trình chất lượng cao giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; chương trình chất lượng cao tiếng Nhật giảng dạy bằng Việt và tăng cường tiếng Nhật (một số môn chuyên ngành ở năm thứ ba và tư được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Nhật), chuẩn đầu ra tiếng Nhật là JLPT N2.

Trường ĐH Ngân hàng TP HCM dự kiến có thêm 4 ngành mới, gồm: quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, logistics và quản trị chuỗi cung ứng (thuộc khối ngành kinh doanh, quản lý, du lịch, khách sạn); khoa học dữ liệu trong kinh doanh (khối ngành khoa học). Trường thêm mới tổ hợp D07 (toán, hóa, tiếng Anh) vào tất cả các ngành, thay thế cho tổ hợp D90 hoặc D96 trước đó.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM tuyển sinh thêm 6 ngành mới trong năm tới, gồm: khoa học dữ liệu, công nghệ vật liệu, vật lý y khoa, kỹ thuật địa chất, toán ứng dụng, toán tin.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF) chính thức công bố phương án tuyển sinh cuyển sinh 2 ngành học mới là: Kinh doanh thương mại, Ngôn ngữ Trung Quốc.

Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vừa công bố Đề án tuyển sinh dự kiến năm 2020 với nhiều điểm mới. Trong đó, nhà trường dự kiến tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm: Kỹ thuật phần mềm; Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu; Quan hệ Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế.

Các phương án tuyển sinh kết hợp

ĐHQG Hà Nội sẽ tuyển sinh ĐH theo phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và các phương thức khác. Trong đó, với thí sinh xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT và Quy định đặc thù của ĐHQG Hà Nội. Xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và các phương thức khác (SAT, A-LEVEL, IELTS).

Trường ĐH Bách khoa TP HCM năm nay nhà trường giữ ổn định chỉ tiêu xét tuyển bằng kỳ thi THPT quốc gia với chỉ tiêu dự kiến 50-72%. Bên cạnh đó, trường cũng dành khoảng 20-50% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM. Trước đó, năm 2019, trường dành 50-72% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kỳ thi THPT quốc gia, với số thí sinh trúng tuyển thực tế vẫn trên 70%.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP HCM năm 2020 cũng dự kiến tuyển tối đa 30% tổng chỉ tiêu bằng bài thi năng lực nhưng thí sinh nhập học chỉ khoảng 20%.

Một trường nữa cũng dự kiến tăng chỉ tiêu xét điểm bài thi năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức theo đúng lộ trình, từ 30% năm 2019 lên tối đa 40% năm 2020 là Trường ĐH Công nghệ thông tin TP HCM. Trước đó, năm 2018 trường tuyển 20%. Đại diện nhà trường cho biết sau khi trừ đi chỉ tiêu xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển tối đa 20% thì chỉ tiêu cho kỳ thi chung quốc gia còn khoảng 40%. Như vậy, tổng chỉ tiêu cho xét điểm thi quốc gia năm tới sẽ giảm 10% so với trước đó.

Năm 2020, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi quốc gia xuống còn khoảng 40%. Đồng thời, tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực ĐHQG TP HCM lên 40%. Như vậy, với tổng chỉ tiêu dự kiến 3.500, trường ĐH này chỉ có khoảng 1.400 cho xét điểm kỳ thi chung trong năm tới.

Lý giải điều này, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ thông tin TP HCM cho biết, các số liệu phân tích từ trường cho thấy, sinh viên trúng tuyển bằng bài thi năng lực đang có kết quả học tập tốt hơn so với điểm kỳ thi THPT quốc gia.

Theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những hướng đi thể hiện các trường dần tiến tới tự chủ tuyển sinh theo phương thức riêng, bớt dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia. Bởi trên thực tế, mỗi trường cần những đối tượng sinh viên khác nhau, không chỉ là kiểm tra kiến thức phổ thông mà cả những hiểu biết thực tế và các kỹ năng khác nữa.

PGS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nhìn phương thức các trường ĐH lớn trên thế giới tuyển sinh cho thấy họ không chỉ quan tâm đến điểm số ở trường phổ thông, mà còn yêu cầu các thí sinh rất nhiều kỹ năng khác nữa. “Chẳng hạn có những trường yêu cầu trong hồ sơ của thí sinh phải có cả các bài luận về các chủ đề khác nhau tùy năm trường yêu cầu. Hoặc hồ sơ cũng phải thể hiện được các hoạt động ứng cử viên đã tham gia suốt những năm học phổ thông như tình nguyện, hoạt động đoàn thể… Thậm chí, các sở thích cá nhân cũng thể hiện ứng cử viên đó có phù hợp với nhà trường, với chuyên ngành các em đăng ký học ĐH hay không? Tôi cho rằng về lâu dài, các trường ĐH của Việt Nam cũng có thể tuyển sinh kết hợp như vậy. Thực tế tôi thấy vài năm gần đây chúng ta cũng đã có một vài trường đã tuyển sinh kết hợp với bài luận nhưng chưa phổ biến trên diện rộng” - PGS.TS Phạm Tất Dong nói.

Tác giả bài viết: Thu Hương
Nguồn tin: Đại Đoàn Kết
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Phone: 02373 870 034
Email: nguoivinhloc@gmail.com