Thi cử đúng chất lượng, không chạy theo bệnh thành tích

Đăng lúc: Thứ tư - 29/05/2019 09:20 - Người đăng bài viết: tuanhoan
“Thi cử phải mang tính chất trung thực và phản ánh đúng chất lượng dạy và học; Thanh Hóa không chạy theo bệnh thành tích, không đặt nặng việc xếp thứ hạng đối với các trường trong kỳ thi THPT quốc gia; kết quả phải là kết quả thực, phản ánh chất lượng thực...”.
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa tại buổi họp báo về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 vào chiều ngày 20/5.

Theo Sở GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019, Thanh Hóa có 1 cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Hoa Lư Ninh Bình và Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An tổ chức cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi tại Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Thi cử đúng chất lượng, không chạy theo bệnh thành tích - 1

Sở GD&ĐT tổ chức họp báo về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020.

Kỳ thi năm 2019, Thanh Hóa có hơn 35.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó có hơn 13.600 thí sinh thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT; 20.437 thí sinh thi lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, Cao đẳng...

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 70 điểm thi với hơn 1.480 phòng, huy động khoảng 4.969 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ công tác thi… Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn, lớp 10 THPT và lớp 10 THPT Dân tộc nội trú năm học 2019-2020 được tổ chức vào ngày 5 - 6/6.

Cả thí sinh thi tuyển vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn, lớp 10 THPT và lớp 10 THPT Dân tộc nội trú đều thi 3 buổi với các môn thi: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Riêng thí sinh thi vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn phải thi thêm buổi thứ 4 với môn chuyên theo đề thi riêng. Tất cả các môn thi theo hình thức tự luận. Riêng môn tiếng Anh chuyên thi thêm kỹ năng nghe…

Theo khẳng định của lãnh đạo Sở GD&ĐT, những thông tin mà các cơ quan báo chí phản ánh, nhất là các thông tin liên quan đến tiêu cực, gian lận về các kỳ thi sẽ được ngành chỉ đạo các bộ phận liên quan xác minh, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có), để kỳ thi được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các khâu.

Bài học từ những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số địa phương

Tại buổi họp báo, nhiều ý kiến về việc ngành Giáo dục Thanh Hóa rút ra được kinh nghiệm gì từ những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương.

Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, Thanh Hóa những năm trước đây đều chủ trì kỳ thi THPT quốc gia và phối hợp với các trường ĐH tổ chức. Các bước thực hiện quy định trong quy chế thi hết sức nghiêm túc.

Cũng theo ông Thi, khâu tổ chức chấm thi luôn có 3 lực lượng là cán bộ làm nhiệm vụ chấm, cán bộ thanh tra và lực lượng công an giám sát lẫn nhau.

Đề cập thêm về vấn đề này, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa chia sẻ, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, có một số địa phương đặc biệt như: Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã xảy ra sự việc tiêu cực nghiêm trọng. Điều đó, làm tổn hại rất lớn đến ngành giáo dục, niềm tin của nhân dân.

“Tại Thanh Hóa, trong suốt mấy năm nay, không phải chỉ kỳ thi THPT quốc gia, mà tất cả các kỳ thi thì Sở chỉ đạo rất nghiêm túc. Trước đây, trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, phát hiện việc đánh dấu bài. Khi phát hiện, Sở đã thống nhất hủy 58 bài thi đánh dấu bài, không công nhận kết quả. Không chỉ có học sinh, mà do người lớn chỉ đạo, cũng vì bệnh thành tích trong thi cử, nảy sinh ra tiêu cực. Ban giám đốc Sở cũng thống nhất kỷ luật rất nghiêm khắc đối với giáo viên dạy môn đó...”, bà Hằng thông tin.

Người đứng đầu ngành Giáo dục Thanh Hóa quả quyết, đối với các kỳ thi của Thanh Hóa được dư luận nhân dân đồng tình cao.

“Chúng tôi cũng xác định thi cử là phải mang tính chất trung thực và phản ánh đúng chất lượng dạy và học. Thanh Hóa không chạy theo bệnh thành tích. Chúng tôi không đặt nặng việc xếp thứ hạng đối với các trường trong kỳ thi THPT quốc gia; làm sao tổ chức tốt việc dạy học, ôn tập cho học sinh; kết quả thi phải là kết quả thực, phản ánh chất lượng thực. Khi không đặt ra áp lực đó thì yêu cầu các đơn vị, cá nhân phải thực hiện rất nghiêm túc”, Giám đốc Sở GD&ĐT nêu quan điểm.

Theo bà Hằng, con người là yếu tố quan trọng nhất, vì vậy cần nâng cao nhận thức từng lãnh đạo của các nhà trường trong vai trò chỉ đạo dạy học, ôn tập, tổ chức các kỳ thi, quán triệt nghiêm túc tới tất cả cán bộ làm nhiệm vụ thi ở bất kỳ khâu nào.

“Khi phát hiện những sơ suất và sai sót thì tùy mức độ đều phải xử lý nghiêm; tuyệt đối không bưng bít, bao biện, bao che. Bài học để rút kinh nghiệm không chỉ kỳ thi THPT quốc gia mà bất kỳ một kỳ thi nào cũng đều phải xác định làm nghiêm túc và phản ánh chất lượng thực”, bà Hằng thẳng thắn.

Thanh Hóa: Thi cử đúng chất lượng, không chạy theo bệnh thành tích - 2

Theo bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, thi cử là phải mang tính chất trung thực và phản ánh đúng chất lượng dạy và học. Thanh Hóa không chạy theo bệnh thành tích...

Thanh Hóa là một trong những địa phương lớn, nên ngoài việc ngành giáo dục xác định được tính nghiêm túc, còn có cự phối hợp với các sở, ban ngành, đặc biệt là công an tỉnh.

Không điều giáo viên Toán, Ngữ văn, tiếng Anh coi thi

Một nội dung được quan tâm là trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Thanh Hóa sẽ không điều giáo viên Toán, Ngữ văn và tiếng Anh tham gia hội đồng thi.

Theo ông Hoàng Văn Thi: “Tại các hội đồng thi, các giáo viên chuyên môn không coi thi trực tiếp thì đó là một trong những cách thực hiện “nghiêm từ trong, phòng từ xa, ngăn chặn ngay từ đầu”.

Cũng theo quan điểm của ông Thi, muốn làm được như vậy thì những cái gì có nguy cơ có thể lường trước và ngăn chặn từ trước thì rõ ràng giáo viên không phải chuyên môn phù hợp vào các hội đồng thi hơn. Việc không điều giáo viên Toán, Ngữ văn, tiếng Anh tham gia hội đồng thi mục đích phòng ngừa là chính.

“Thực tế trong những năm qua đã được chứng minh các kỳ thi tại Thanh Hóa tốt hơn rất nhiều. Thay đổi để làm những việc tốt hơn, các nhà trường và thầy cô cũng đồng tình với chúng tôi”, ông Thi chia sẻ.

Tại sao môn thi thứ ba vào lớp 10 THPT được công bố trước?

Theo quy chế của Bộ GD&ĐT, môn thi thứ ba vào lớp 10 THPT chỉ công bố trước 15 ngày và tổ chức bốc thăm. Tuy nhiên, năm nay, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã xác định ngay từ đầu môn thi thứ ba là môn tiếng Anh.

“Không phải mình Thanh Hóa mà bây giờ, rất nhiều tỉnh trong cả nước đều công bố từ đầu các môn thi, đặc biệt là môn tiếng Anh. Môn Toán và Ngữ văn là hai môn bắt buộc, môn thứ ba trước đây là bốc thăm”, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin thêm.

“Chúng ta biết kỳ thi THPT quốc gia thì ba môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, tiếng Anh. Môn tiếng Anh là chìa khóa, phương tiện để các học sinh sau này chiếm lĩnh tri thức. Cho nên Sở GD&ĐT cũng đã chuẩn bị tinh thần, tâm lý cho học sinh và giáo viên môn tiếng Anh là môn các em được học và sẽ thi chính thức. Sở đã báo cáo UBND tỉnh và tỉnh đã phê duyệt phương án”, bà Hằng cho biết.

Một thực tế đặt ra khi môn thi thứ ba được công bố trước sẽ khó tránh khỏi việc “học lệch, học tủ”. Vấn đề này, theo bà Hằng, Sở đã yêu cầu Phòng giáo dục Trung học có chỉ đạo, tất cả các nhà trường phải nghiêm túc thực hiện dạy để học sinh học đều các môn.

“Tất nhiên cũng không thể tuyệt đối được, nhưng làm sao để học sinh học trên lớp phải học đều tất cả các môn. Sau này khi lên cấp 3 hay thi THPT quốc gia còn phải thi các môn tổ hợp”, bà Hằng chia sẻ.

Tác giả bài viết: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Phone: 02373 870 034
Email: nguoivinhloc@gmail.com